Những loài hoa quý, hiếm ở Đà Lạt

Đà Lạt hiện có khá nhiều loài hoa quý và hiếm.
* Hoa Phượng tím: là một loài hoa thân gỗ, lá kép hai lần, tương tự như hoa phượng đỏ, khác chăng chỉ ở màu tím của hoa. Có lẽ vì thế mà mọi người đặt cho nó cái tên dân giã: Phượng tím. Cây hoa Phượng tím có tên khoa học là Jacaranda Acutifolia  thuộc họ Bignoniaceae, nó còn có tên khác là J.mimosifolia, hay J.ovalifolia.
 
Phượng tím.
Phượng tím.
Hoa Phượng tím có nguồn gốc từ Brasil (có tài liệu cho là ở Bôlôvia), được trồng  nhiều ở các nước thuộc Nam Mỹ, châu Phi để làm cây bóng mát ven đường hay trong các công viên.

Tùy theo môi trường sống, Phượng tím có thể cao từ 3 đến 10 mét, đường kính tán lá thường giao động từ 3 đến 7 mét. Mỗi cành lá dài từ 40 đến 50 cm, có long tơ và mọc thành từng chùm. Thời gian từ khi hoa ươm nụ đến khi tàn rụng thường kéo dài từ 3 đến 5 ngày. Các chùm hoa ở đầu cành lại tiếp tục nở ra một đợt hoa mới. Vì vậy, mà Phượng tím có hoa nở thường xuyên trong vòng 4 đến 5 tháng.

Trước đây, do điều kiện để nhân giống loài hoa này còn nhiều khó khăn, cho nên, cả Đà Lạt chỉ còn tồn tại vài ba cây. Trong đó, cây phượng tím ở đường Nguyễn Thị Minh Khai có lẽ là một trong những cây hoa Phượng tím cổ thụ hiếm hoi tồn tại đến bây giờ. Hoa nở rất đẹp, đến mức đã được nhà văn Nguyễn Quang Sáng lấy làm tựa đề cho một kịch bản phim của mình về phong trào đấu tranh chống Mỹ - ngụy của học sinh, sinh viên Đà Lạt (1).

Ngày nay, nhờ tiến bộ của khoa học, phượng tím đã trở thành một loài hoa được trồng khá phổ biến ở Đà Lạt. Tuy nhiên, cây phượng tím ở đường Nguyễn Thị Minh Khai vẫn là một cây có hình dáng đẹp nhất ở thành phố hoa này.

* Hoa Chuông vàng: Hoa Chuông vàng, có tên khoa học là Spathodea Campanulata Bean. Hoa có nguồn gốc từ châu Phi. Chuông vàng là một loài hoa thân gỗ, cao lớn, lá xanh, gần giống lá muồng. Hoa có màu vàng pha cam, hình dáng tựa những quả chuông, nở thành chùm, mỗi chùm có từ 40 đến 50 bông. Hoa Chuông vàng nở suốt 4 mùa, những chùm hoa Chuông vàng rực rỡ treo trên nền xanh, trông rất hấp dẫn.

Hiện nay, ở Đà Lạt chỉ duy nhất một cây Chuông vàng được trồng ở chùa Quán Thế Âm, phía bắc Hồ Xuân Hương. Cây hoa quý và hiếm này cùng với cây hoa phượng tím đã trình bày ở trên, đều do người kỹ già Lương Văn Sáu đem về từ nước ngoài, sau khi ông tốt nghiệp khoa Canh nông thuộc trường Đại học danh tiếng Vesailles (Pháp).

Hoa Đậu tía: Cây Đậu tía có tên khoa học là Wistaria, một số nước thường gọi là Shycine, có 2 màu: xanh lơ (Bleu) và trắng (Blanc). Hoa Đậu tía, có nguồn gốc từ Đài Loan, là một loài hoa vừa đẹp nhưng lại cũng vừa có hương thơm ngát. Khi còn sống, bác Lương Văn Sáu đã có lần thổ lộ: “Tôi lấy giống hoa này từ Đài Loan về trồng ở công viên hoa vào năm 1963, không biết nó còn tồn tại ở đó nữa không?” Ngoài ra, người kỹ sư già Lương Văn Sáu còn cho biết là ở Đà Lạt còn có một cây hoa thân gỗ quý hiếm nữa và nó cũng chỉ còn có một cây duy nhất, được trồng ở cổng Khách sạn Palace, phía đường Trần Phú.

Đó là cây hoa Vông Kê (tên hoa do bác Sáu đặt). Hoa Vông Kê có nguồn gốc từ Trung Đông, tên khoa học là Erythrina cri stagalli (thuộc họ Châu Vông). Hoa Vông Kê thường nở vào cuối đông đầu xuân, từng chuỗi hoa dài khoảng 5cm, màu đỏ. Cây hoa Vông Kê ở Khách sạn Palace được trồng vào năm 1965. Hiện tại, cây hoa quý hiếm này mọc giữa những cây thông cao lớn, thân và cành của nó xù xì, tựa như những cây cổ thụ khác, và do từ rất nhiều năm nay, hầu như nó không được ai chăm sóc gì, cho nên thay vì sẽ cho rất nhiều những chuỗi hoa dài, màu đỏ hồng, thì nay nó chỉ cho lèo tèo đôi ba cụm hoa…

Sinh thời, người kỹ sư già Lương Văn Sáu vẫn có một ước nguyện là phải tìm mọi cách để nhân giống và bảo tồn nguồn gen quý hóa này, để trồng đồng loạt trên từng đường phố của Đà Lạt, và cho đến tận bây giờ, dù bác Sáu đã ra đi từ hơn 10 năm nay, nhưng nỗi mong ước đó của bác vẫn chưa được trở thành hiện thực ở chính ngay trên mảnh đất mà người kỹ sư già này đã góp một phần không nhỏ để tạo nên sự hấp dẫn của muôn sắc hoa Đà Lạt.

Rất cần có một nhà bảo tàng về hoa Đà Lạt.

Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, vốn là một đức tính đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Để có được một thành phố Đà Lạt xinh đẹp như hôm nay, chúng ta mãi mãi không bao giờ quên người đã có công lớn phát hiện ra thành phố xinh đẹp này. Một đường phố mang tên ông, và ngay trên con đường đó, một tượng đài của ông do nhà điêu khắc nổi tiếng Phạm Văn Hạng tạc từ khối đá hoa cương do Thủ tướng Võ Văn Kiệt tặng đã được dựng trang trọng ở ngay vị trí trung tâm của công viên, chính là một sự nghi nhận công lao của nhà bác học đã suốt đời gắn bó với Việt Nam: A. Yesin.

Nhưng để tạo ra một thành phố xinh đẹp với muôn loài hoa bốn mùa khoe sắc như hôm nay, chúng ta không thể không nhớ đến biết bao người nông dân đã cần cù, vượt qua muôn vàn khổ cực của những ngày đầu đem giống hoa từ miền Bắc vào lập nghiệp ở vùng đất này. Đó là các gia đình họ Ngô, cùng rất nhiều bà con ở ấp Hà Đông, và sau này là bà con nông dân ở ấp Thái Phiên. Theo thời gian, vườn hoa thành phố được thành lập, như là một đòi hỏi tất yếu của cuộc sống. Và một trong vài ba người đầu tiên thiết lập nên công viên hoa, một điểm tham quan kỳ thú và hấp dẫn của Đà Lạt hôm nay, chính là người kỹ sư già Lương Văn Sáu với nhiều giống hoa lạ và quý được ông mang về từ năm 1958, sau khi tốt nghiệp Trường Canh nông Versailles (Pháp) mà chúng tôi đã trình bày vắn tắt ở trên.

Tuy nhiên, việc vườn hoa thành phố Đà Lạt được thành lập từ bao giờ, hiện vẫn chưa có được một kết luận thỏa đáng. Nhiều tài liệu cho rằng, nó được thành lập từ năm 1966, nhưng trong Địa chí Đà Lạt thì lại cho rằng vườn hoa Đà Lạt được thành lập vào năm 1973. Như vậy, ở đây có 2 sự kiện liên quan đến hoa của Đà Lạt. Đó là Hoa và nghề trồng hoa ở Đà Lạt có từ bao giờ? Và thời điểm nào vườn hoa Đà Lạt được thành lập? Đáng tiếc là với một công trình được biên soạn khá công phu như Địa chí Đà Lạt lại đều chưa có được câu trả lời thuyết phục về 2 nội dung trên. Vì vậy, theo chúng tôi, với một thành phố duy nhất trong cả nước được trao danh hiệu là Thành phố Festival hoa như Đà Lạt thì rất cần được lý giải một cách chính xác 2 sự kiện trên đây.

Mặt khác, nên chăng, thành phố cần xúc tiến việc thành lập một Bảo tàng hoa Đà Lạt để lưu lại chặng đường hình thành và phát triển về Hoa và nghề trồng hoa ở Đà Lạt, một trong những loại hình đã góp phần tạo nên nét riêng, đặc sắc cho thành phố Cao nguyên này. Và trong đó, không thể không đề cập đến công lao của những người đi trước như các gia đình họ Ngô, bác kỹ sư Lương Văn Sáu, bác Mười Lời và rất nhiều, rất nhiều những người Đà Lạt khác đã dày công, không quản biết bao khó khăn, cực khổ để cho sắc hoa của ngàn hoa Đà Lạt ngày càng rực rỡ hơn, phong phú hơn và cũng kinh tế hơn.

Để kết thúc bài viết này, chúng tôi xin nêu lại một ý tưởng của người kỹ sư Lương Văn Sáu mà khi còn sống bác đã có lần thổ lộ: Mong ước một ngày không xa, trên các đường phố của Đà Lạt sẽ được trồng các loại hoa Phượng tím, Đậu tía, Chông vàng hay Vông kê. Bởi đó là những loài hoa thân gỗ, không những cho bóng mát mà còn dâng cho đời những sắc màu rất đẹp. Bạn thử hình dung xem, nếu một ngày nào đó, trên các đường phố của Đà Lạt sẽ rực rỡ sắc đỏ của hàng cây Đậu tía và Vông kê, bên sắc vàng cam của hàng cây Chuông vàng và màu tím thủy chung của hoa Phượng tím… thì quả thật là sự quyến rũ của thành phố ngàn hoa này sẽ tăng lên bội phần. Và chúng tôi, những thế hệ con cháu của “cây hoa già khổng lồ” kia vẫn chỉ biết hy vọng và hy vọng…

Một nhà Bảo tàng về hoa và những con đường mang tên các loài hoa ở Đà Lạt, phải chăng, đó cũng chính là một nét độc đáo, rất đáng yêu đối với Đà Lạt, thành phố ngàn hoa, thành phố Festival hoa của Tổ Quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
SHARE

Milan Tomic

Hi. I’m Designer of Blog Magic. I’m CEO/Founder of ThemeXpose. I’m Creative Art Director, Web Designer, UI/UX Designer, Interaction Designer, Industrial Designer, Web Developer, Business Enthusiast, StartUp Enthusiast, Speaker, Writer and Photographer. Inspired to make things looks better.

  • Image
  • Image
  • Image
  • Image
  • Image
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét